Kim tự tháp Pepi II Kim_tự_tháp_Pepi_II

Cột đá có mang hình thần Ra và Pepi II

Kim tự tháp vệ tinh

Có một kim tự tháp vệ tinh nằm ở góc đông nam kim tự tháp chính, các cạnh dài 15,75 mét và dốc 63°. Bên trong có một hành lang chữ T và một phòng mộ nhỏ[1].

Kim tự tháp chính

Kích thước của kim tự tháp Pepi II gần như là ngang bằng với kim tự tháp Pepi I, với chiều cao được đo là 52,5 mét và các cạnh dài 78,75 mét, độ dốc 53°[1], mặc dù ngày nay kim tự tháp Pepi I chỉ còn cao 12 mét. Cấu trúc của nó cũng được xây tương tự như của Pepi I, với lõi có 6 tầng xây bằng đá vôi, được kết dính bằng vữa đất sét, bên ngoài có phủ vôi trắng.

Lối vào của kim tự tháp nằm ở phía bắc, nơi có một miếu thờ nhỏ. Hành lang dẫn xuống một tiền sảnh nhỏ bên dưới, tại đây người ta tìm được mảnh vỡ của những cái hũ, bình bằng thạch cao và đá diorite cùng 1 lưỡi dao tròn bằng vàng[1]. Tiền sảnh lại mở ra một hành lang thứ 2, đi thêm một đoạn ngắn nữa sẽ bị chặn bởi 3 khối đá granite lớn. Sau 3 cửa chặn đó, hành lang sẽ dẫn tới căn phòng ngoài, rẽ phải đi thêm một đoạn nữa là tới phòng chôn cất[1]. Ở phòng ngoài có một căn phòng nhỏ gọi là serdab - nơi trú ngụ của linh hồn, đã bị hủy hoại.

Dọc các hành lang, các ký tự tượng hình được khắc đầy kín trên 2 bên tường lối đi, tương tự với 4 bức tường trong các phòng ngầm. Trần của cả hai phòng đều được trang trí với các vì sao sáng trên nền trời đêm, một mô típ rất quen thuộc ở những kim tự tháp. Bức tường nơi quan tài nằm sát đó, được trang trí hình ảnh một cung điện cách điệu[1].

Cỗ quan tài bằng đá granite đen khá nguyên vẹn, bên ngoài khắc tên và các danh hiệu của Pepi II, ở phần đầu và cuối của quan tài được vẽ 2 cánh cửa giả bằng màu sơn xanh lá; tuy nhiên, nắp quan tài lại chưa được hoàn chỉnh, một số chỗ chưa được mài nhẵn và không được khắc văn tự. Thi hài của nhà vua không được tìm thấy, kể cả cái rương đựng bình nội tạng của ông cũng biến mất, nhưng nắp của cái rương này vẫn còn sót lại, và nó cũng được làm một cách khá vội vàng[1].